Viêm họng cấp là một bệnh rất phổ biến, thường xảy ra khi thời tiết giao mùa. Ai cũng có thể là đối tượng mắc phải bệnh viêm họng cấp. Đặc biệt bệnh viêm họng cấp ở trẻ thường tái đi tái lại làm cho các bậc phụ huynh rất phiền muộn và lo lắng. Vậy nguyên nhân gây viêm họng cấp ở trẻ em là gì? Biểu hiện cụ thể của bệnh viêm họng cấp như thế nào? Có biện pháp nào phòng tránh bệnh hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những kiến thức tổng quan về viêm họng cấp ở trẻ sau đây.
Nguyên nhân gây bệnh do đâu?
Bệnh có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Khi nguyên nhân bệnh do virus, người bệnh sẽ có triệu chứng đau họng, ngứa họng, rát họng, khó nuốt. Ở trẻ thường kèm theo sốt. Bệnh thường kèm theo viêm mũi và ho.
Biểu hiện của viêm họng cấp
Khi bị viêm họng cấp, bệnh nhân có thể sốt cao 39 – 40 độ C, thấy khô nóng trong họng, khát nước, bị đau khi nuốt, khi nói và ho. Đi kèm với đó là tắc mũi, sụt sịt, chảy nước mũi, khàn giọng, ho khan, amidan bị viêm to, trên bề mặt amidan có chất nhầy trong, hạch cổ bị sưng…
Bệnh thường diễn ra trong vòng 3 – 4 ngày. Nếu sức đề kháng tốt bệnh sẽ lui dần. Nhưng với những người sức đề kháng yếu như trẻ em, người cao tuổi, bệnh có thể kéo dài. Và dễ gây ra những biến chứng như viêm tai, viêm amidan, viêm xoang, viêm phế quản, viêm thanh quản.
Nếu bệnh do vi khuẩn, tùy theo loại vi khuẩn gây bệnh, người bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau:
- Viêm họng do liên cầu: Trẻ em có triệu chứng sốt cao, có thể lên đến 40 độ, đau họng dữ dội, niêm mạc họng đỏ rực, có xuất tiết, bạch cầu máu tăng cao >12.000/mm3. Bệnh có thể lan ra vùng thành họng sau và vùng amidan.
- Viêm họng do bạch hầu: Trẻ sốt, ho, cảm giác vướng họng, có giả mạc màu trắng vùng amidan, vùng họng. Giả mạc dễ chảy máu, nằm sát vùng niêm mạc. Kết quả nuôi cấy tìm ra vi khuẩn bạch hầu.
- Viêm họng do vi khuẩn hiếm khí Spirochete: Trẻ sốt cao, đau họng, khó nuốt, kết quả phết họng cấy tìm ra vi khuẩn Spirochete.
Biến chứng của bệnh như thế nào?
Nếu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không triệt để, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Hai biến chứng thường gặp là áp xe quanh amidan và áp xe sau thành họng. Nguyên nhân thường do bội nhiễm tụ cầu. Phương pháp điều trị các biến chứng này là rạch áp xe, chọc hút, dẫn lưu mủ, sau đó dùng kháng sinh nhạy cảm với tụ cầu.
Cách phòng ngừa viêm họng cấp cho trẻ
- Ăn thêm nhiều rau xanh, trái cây.
- Nên tắm bằng nước ấm, trong phòng kín gió. Khi tắm xong phải lau khô người trước khi mặc quần áo.
- Cần vệ sinh họng, miệng như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Nên súc họng bằng nước muối nhạt hàng ngày.
- Khi bị viêm họng, bạn cần đến ngay cơ sở y tế hoặc các phòng khám chuyên khoa tai mũi họng. Để kịp thời điều trị ngay từ những ngày đầu. Không nên để bệnh diễn tiến vài ba ngày mới đi khám. Và nhất là không nên tự ý mua thuốc điều trị hay đến thầy lang. Để tránh những biến chứng nguy hiểm hơn.