Bệnh sởi trước khi có vắc xin phòng ngừa đã từng là cơn ác mộng khiến hàng triệu người thiệt mạng mỗi năm. Khoảng thời gian đại dịch sởi tấn công Việt Nam vào năm 2014 đã tác động đến rất nhiều người, ở các độ tuổi khác nhau. Những hình ảnh về bệnh nhi nằm tràn lan ở bệnh viện, thai phụ sinh non hay những đứa trẻ tội nghiệp tử vong vì sởi là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Ngày nay bệnh sởi ở trẻ nói riêng và bệnh sởi nói chung con người đã có kinh nghiệm hơn trước để phòng tránh. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu những kiến thức chung nhất về bệnh sởi cũng như cách phòng ngừa. Bạn đọc quan tâm theo dõi ngay dưới đây cùng chúng tôi.
Bệnh sởi ở trẻ là bệnh như thế nào?
Bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Sởi gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Bệnh sởi có đường lây truyền ra sao?
Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do trẻ lành hít phải dịch tiết mũi họng bắn ra, khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của trẻ bệnh.
Triệu chứng chính của bệnh sởi ở trẻ
Biểu hiện chính là sốt, phát ban. Trẻ thường sốt cao, khi sốt giảm sẽ xuất hiện ban dạng sẩn ( gồ lên mặt da ) ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực bụng và toàn thân.
Sau 7-10 ngày, ban biến mất theo thứ tự đã nổi trên da và để lại những vết thâm thường gọi là ” vằn da hổ”.
Một số biểu hiện kèm theo: chảy nước mũi, ho, đỏ mắt, tiêu chảy…
Biến chứng của bệnh sởi là gì?
- Viêm tai giữa cấp
- Viêm phổi nặng, có thể dẫn đến tử vong
- Viêm não
- Tiêu chảy và ói mửa
- Mờ hoặc loét giác mạc, có thể mù lòa
- Suy dinh dưỡng nặng
Bệnh sởi có thuốc điều trị đặc hiệu không?
Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế: Sởi là một bệnh truyền nhiễm, gây dịch lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, nhất là trong thời kỳ trước tiêm chủng, bệnh phổ biến ở trẻ em. Trên 90% số người trước lứa tuổi 20 đã bị mắc bệnh sởi, rất hiếm người không bị mắc sởi. Ước tính hàng năm khoảng 100 triệu trường hợp mắc và 6 triệu người tử vong do sởi.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, nên dự phòng là yếu tố tiên quyết. Nếu chẳng may mắc bệnh, người bệnh cần biết cách sử dụng thuốc đúng, theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh những biến chứng nguy hiểm do việc dùng thuốc không chính xác gây ra.
Làm gì khi nghi mắc bệnh sởi ở trẻ?
- Cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành
- Đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời
- Cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường thức ăn giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ
- Cho trẻ uống nhiều nước ( dung dịch Oresol, nước ép quả tươi, nước lọc…), đặc biệt khi trẻ sốt cao, tiêu chảy
- Vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể cho trẻ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để hạn chế các biến chứng của sởi. Không nên kiêng tắm, kiêng gió vì sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Các biện pháp phòng tránh bệnh sởi cho trẻ
- Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Để đạt hiệu quả phòng bệnh cao, trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi.
Mũi 1: tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi
Mũi 2: tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi
- Không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân mắc sởi hoặc nghi mắc sởi
- Thường xuyên rửa tay và vệ sinh thân thể cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ
- Vệ sinh nhà cửa, giữ nhà cửa thông thoáng, tránh gió lùa khi trời lạnh.