Từ lâu, cây trắc bá diệp được biết đến như một loại cây cảnh, vừa giúp trang trí nhà cửa, vừa có công dụng về quan niệm phong thủy. Nhưng bạn có biết đây còn là một vị thuốc quý có nhiều tác dụng chữa bệnh cho con người. Chúng được dùng làm các bài thuốc dân gian để dùng cầm máu, sát trùng cực kỳ hiệu quả và được nhiều người áp dụng. Ngoài ra, khi kết hợp loại cây này với các nguyên liệu, dược liệu khác, nó còn giúp điều trị nhiều bệnh khác. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết trong bảng tin bài thuốc dân gian dưới đây.
Cây trắc bá diệp là loài cây như thế nào?
Loài cây này phát triển tối đa khi trưởng thành có thể cao tới 6 – 8m. Tuy nhiên những cây chiết cành thì thường lùn và mọc thành những bụi thấp. Vì thế chúng được trồng trong công viên hoặc được trồng làm cảnh. Cây phân nhiều nhánh, dạng tháp và nhánh xếp theo những mặt phẳng thẳng đứng. Trên thân mọc rất nhiều nhánh con chứa lá.
Lá cây nhỏ, mọc thành khóm màu xanh đậm. Lá có phiến nhỏ rất giống lá thông, hình vảy dẹp, mọc lợp lên nhau. Đặc biệt là lá ở nhánh non và nhánh già có hình dạng khác nhau. Nón quả dạng hình trứng, có 6 – 8 vảy dày, xếp đối nhau. Quả có hạt hình trứng, nhỏ, dài độ 4mm. Vỏ hạt cứng nhẵn, có màu nâu sậm. Quả cây mọc vào khoảng tháng 3 – 9.
Lá trắc bá diệp có thể hái quanh năm. Nhưng thu hoạch tốt nhất từ tháng 9 đến tháng 11. Bạn có thể hái cả cành, cắt bỏ cành to, phơi khô trong mát, cất đi dùng dần. Còn hạt nên thu hái vào mùa thu, mùa đông. Bạn phơi hạt khô, xát bỏ vẩy ngoài, rồi lấy hạt phơi khô.
Công dụng làm thuốc theo đông y
Trắc bá diệp là loài cây cảnh, còn được sử dụng làm thuốc. Lá và hạt trắc bá diệp còn là thuốc quý chữa nhiều bệnh. Theo Đông y, trắc bá diệp có vị đắng, chát, hơi lạnh, vào 3 kinh phế, can và đại tràng. Có tác dụng lương huyết, sát trùng, cầm máu, thanh thấp nhiệt, làm đen râu tóc…
Thường được sử dụng chữa thổ huyết, nục huyết (chảy máu mũi, máu cam), tiện huyết (đại tiện ra máu), băng lậu hạ huyết, tóc rụng, tóc bạc sớm do huyết nhiệt. Hạt trắc bách diệp có vị ngọt, tính bình, vào 3 tâm kinh: tâm, thận và đại tràng. Có tác dụng dưỡng tâm, an thần, nhuận tràng, thông tiện, giải ngủ; da khô, tóc rụng, mồ hôi ra nhiều, đại tiện, táo bón…
Bài thuốc dân gian chữa bệnh từ cây trắc bá diệp
Dùng chữa xuất huyết
Lá trắc bá diệp tẩm giấm gạo, sao đen, tán thành bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8-12g bột thuốc, chiêu thuốc bằng nước sôi. Có tác dụng chữa các chứng xuất huyết như thổ huyết, đổ máu mũi, đại tiện xuất huyết, tiểu tiện xuất huyết…
Dùng làm rượu bổ (Tứ bổ tửu)
Hạt trắc bá diệp 60g, hà thủ ô thái nhỏ 60g, nhục thung dung thái nhỏ 60g, ngâm với 2 lít rượu trắng loại tốt. Mùa Xuân, Hạ ngâm 10 ngày; mùa Thu, Đông ngâm 20 ngày. Mỗi lần uống 1 chén nhỏ, ngày 2 lần. Có tác dụng bổ khí huyết, điều hòa tạng phủ, chữa chứng táo bón do huyết táo ở người già.
Chữa mất ngủ từ cây trắc bá diệp
Hạt trắc bá diệp 15g, tim lợn 1 quả. Tim lợn rửa sạch dùng một miếng tre mổ ra, nhồi trắc bách diệp vào. Cho vào một bát, thêm chút nước hấp cách thủy cho đến khi tim lợn chín nhừ. Khi ăn thêm gia vị cho hợp khẩu vị. Tác dụng: Bổ huyết, an thần, chữa mất ngủ.
Dùng dưỡng tâm đan (thuốc bổ tim)
Lá trắc bá diệp sấy khô 400g, đương quy 200g, tất cả tán thành bột mịn, trộn đều, làm thành viên cỡ hạt đậu xanh. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 50 viên, chiêu thuốc bằng nước muối nhạt. Bài thuốc này có tác dụng dưỡng huyết, lương huyết, bổ tâm, an thần. Dùng chữa cho người mất ngủ, bồn chồn, tim đập loạn nhịp từng cơn, râu tóc sớm bạc.