Cây hẹ đã không còn xa lạ gì đối với người dân Việt Nam khi chúng không chỉ là một loại gia vị để chế biến món ăn mà còn là một vị thuốc kháng sinh quý từ thiên nhiên, có thể điều trị nhiều loại bệnh. Cây được trồng làm gia vị có chứa các chất như sunfua, saponin, chất đắng. Đặc biệt giàu vitamin C, hoạt chất odorin có công dụng kháng khuẩn rất tốt, đối với đường hô hấp và đường ruột. Ngoài ra cây rau hẹ cũng là một vị thuốc chữa nhiều loại bệnh thường gặp trong mùa lạnh.
Đôi nét về cây hẹ
Cây hẹ có tên khoa học Allium tuberosum Roxb. Hẹ còn có tên gọi là cửu thái, khởi dương thảo… Cây hẹ là cây thân thảo, có nhiều rễ con, lá hẹp, dài, dày, một bụi có từ 4-6 lá, rộng từ 1,5-9mm, đầu lá hẹ nhọn.
Cây hẹ có chiều cao khoảng 20-40cm, giàu dược tính và có mùi thơm rất đặc trưng, hoa mọc trên một cọng, màu trắng có cuống hoa dài từ 10-15mm. Quả hẹ khô dài từ 4-5mm, hạt hoa nhỏ màu nâu đen. Hẹ không chỉ được dùng nhiều trong các món ăn như nấu canh, muối chua với dưa giá… mà còn là cây thuốc chữa được nhiều bệnh.
Cây rau hẹ rất dễ trồng và ít phải chăm sóc. Chỉ cần gieo hoặc trồng bằng cây con một lần, là có thể thu hoạch nhiều lứa, nhiều năm. Cây phát triển tốt quanh năm, vừa có thể làm rau ăn, vừa có thể dùng làm thuốc những khi cần thiết.
Dược tính cây hẹ
Theo nhiều bài thuốc dân gian, cây hẹ cho nhiều kháng sinh quý đặc biệt với các bệnh về hô hấp và đường ruột của trẻ em. Hẹ đã được các nhà khoa học nghiên cứu có các hợp chất: Sunfua, saponin và chất đắng… Đặc biệt, chất Odorin có trong cây hẹ được xem như một kháng sinh đặc trị các loại vi trùng staphyllococcus aureus và Bacillus coli. Ngoài ra, trong hạt hẹ còn có ancaloit và saponin.
Trong nước ép tươi của lá hẹ có nhiều kháng sinh đối với nhiều loại vi trùng, như một kháng sinh đa khuẩn cho các loại vi trùng ở đường tiêu hóa nói chung và đặc biệt là đối với bệnh lý đường ruột nói riêng như vi trùng Staphyllococcus aureus, Samonella typhi, Sh Flexneri và Subtilis, colipathogene và Coli bethesda. Tính chất của kháng sinh này khá vững bền. Ưu điểm của nước ép lá hẹ không cay, cho thêm một ít đường phèn thì được xem như dạng siro nước và trẻ em chịu uống hơn.
Cây rau hẹ trong Đông y
Theo Đông y, cây rau hẹ có tác dụng làm thuốc cụ thể, lá hẹ để sống có tính nhiệt, nấu chín thì ôn, vị cay; vào các kinh Can, Vị và Thận. Có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ và giải độc. Thường dùng chữa ngực đau tức, nấc, ngã chấn thương,… Gốc rễ hẹ có tính ấm, vị cay, có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ, thường dùng chữa ngực bụng đau tức do thực tích, đới hạ, các chứng ngứa,…
Hạt hẹ có tính ấm, vị cay ngọt; vào các kinh Can và Thận. Có tác dụng bổ Can, Thận, tráng dương, cố tinh. Thường dùng làm thuốc chữa tiểu tiện nhiều lần, mộng tinh, di tinh, lưng gối yếu mềm.
Những bài thuốc hay chữa bệnh từ cây rau hẹ
- Chữa cảm mạo, ho do lạnh: Lá hẹ 250g, gừng tươi 25g. Cho thêm ít đường hấp chín, ăn cái, uống nước. Dùng liền 5 ngày.
- Chữa nhức răng: Lấy một nắm hẹ (cả rễ), rửa sạch. Giã nhuyễn đặt vào chỗ đau; đặt liên tục cho đến khi khỏi.
- Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Hàng ngày sử dụng từ 100-200g rau hẹ, nấu cháo, nấu canh hoặc xào ăn. Không dùng muối hoặc chỉ dùng một chút muối khi chế biến món ăn. 10 ngày một liệu trình. Hoặc dùng củ rễ hẹ 150g, thịt sò 100g, nấu canh ăn thường xuyên. Có tác dụng tốt đối với bệnh đái tháo đường đã mắc lâu ngày, cơ thể đã suy nhược.
- Nhuận tràng, trị táo bón: Hạt hẹ rang vàng, giã nhỏ, mỗi lần uống 5g. Hòa nước sôi uống ngày 3 lần, dùng liền 10 ngày.
- Chữa chứng đái dầm ở trẻ em: Nấu cháo gạo 50g; dùng 25g rễ hẹ vắt lấy nước cho vào cháo đang sôi. Thêm ít đường, ăn nóng, dùng liên tục trong 10 ngày.
- Chữa ho trẻ em do cảm lạnh: Lấy lá hẹ xắt nhỏ trộn với đường phèn; hoặc mật ong vào cùng một chén. Sau đưa chén vào nồi cơm hấp chín. Cho trẻ uống dần trong ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê. Dùng liền 5 ngày.
- Giúp bổ mắt: Rau hẹ 150g, gan dê 150g, gan dê thái mỏng, ướp gia vị vừa xào với rau hẹ. Khi xào dùng ngọn lửa mạnh, lúc chín cho gia vị vừa đủ, ăn với cơm, cách ngày ăn một lần, 10 ngày một liệu trình.
- Hỗ trợ điều trị xuất tinh sớm: Rau hẹ 200g, tôm nõn 200g, xào ăn với cơm.
- Chữa đau lưng, gối mỏi, ăn uống kém: Hạt hẹ 20g, gạo 100g, nấu cháo ăn nóng ngày 2 lần. 10 ngày một liệu trình.
Xem thêm những bài viết cùng chuyên mục tại: Bài thuốc dân gian